Thursday 24 February 2011

Tai sao phu nu de mac benh gian tinh mach chan?

Số lượt xem: 398
Gửi lúc 10:48' 25/11/2009

Tại sao phụ nữ dễ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân?

Hệ thống tĩnh mạch là một trong các thành phần chính của hệ tuần hoàn. Người ta ví hệ tuần hoàn của cơ thể như một hệ thống bơm máu đi khắp cơ thể bao gồm 3 bộ phận chính: tim là bể chứa, động mạch là hệ thống dẫn máu đi và tĩnh mạch là hệ thống dẫn máu về tim.
Hệ thống tĩnh mạch là một trong các thành phần chính của hệ tuần hoàn. Người ta ví hệ tuần hoàn của cơ thể như một hệ thống bơm máu đi khắp cơ thể bao gồm 3 bộ phận chính: tim là bể chứa, động mạch là hệ thống dẫn máu đi và tĩnh mạch là hệ thống dẫn máu về tim. Càng xa tim thì áp lực đẩy đưa máu về tim càng khó khăn nhưng may mắn là hệ thống tĩnh mạch có các van không cho máu quay lại mà chỉ có một đường là về tim.

Bệnh giãn tĩnh mạch chân là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và mọi giới nhưng nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, càng lớn tuổi thì người bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân càng nhiều.


Công việc nhà khiến phụ nữ phải đứng nhiều là một trong những nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chân. Ảnh: Inmagine


Tại sao phụ nữ dễ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân?

Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng tĩnh mạch ở chi dưới nổi ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới như khoeo, cẳng chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi. Da của vùng tĩnh mạch bị giãn có màu xanh. Giãn tĩnh mạch chân do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó phải kể đến do chức năng của thành mạch và các van của tĩnh mạch bị suy giảm một cách đáng kể trong khi áp lực máu trong lòng tĩnh mạch lại tăng. Người ta cũng gặp một số trường hợp giãn tĩnh mạch do rò động mạch-tĩnh mạch làm cho áp lực tĩnh mạch tăng cao đột biến.

Ở phụ nữ, ngoài các nguyên nhân nêu trên họ thường phải làm công việc nội trợ nên phải đứng nhiều, đứng lâu nhiều giờ là một nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chân. Cũng cần lưu ý ở những phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (do tổng thời gian mang thai nhiều) cũng rất dễ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân… Bệnh giãn tĩnh mạch chân thường thấy đối xứng cả 2 bên chân.

Triệu chứng?

Độ nặng hay nhẹ của bệnh giãn tĩnh mạch chân nói chung không liên quan nhiều đến kích thước cũng như số lượng tĩnh mạch bị giãn. Người bị giãn tĩnh mạch chân khi nhìn vào da cẳng chân, vùng đùi, cẳng chân, cổ chân… thấy có nhiều tĩnh mạch nổi lên dưới da, ngoằn ngoèo, có khi thấy rõ các búi tĩnh mạch nổi cộm lên, da màu xanh. Triệu chứng hay gặp đầu tiên là có cảm giác nặng chân, mỏi chân sau mỗi lần đứng thời gian lâu.

Nhiều người bệnh kể rằng các động tác đứng lên, ngồi xuống rất khó khăn. Có những trường hợp người bệnh cảm thấy rát ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn, đau âm ỉ. Ban đêm thường bị chuột rút (vọp bẻ), triệu chứng này sẽ giảm hoặc mất đi khi đi ngủ kê 2 chân cao bằng một chiếc gối có độ dày vừa phải để tránh gây khó chịu ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cũng cần lưu ý rằng vọp bẻ là một triệu chứng có thể gặp trong bệnh giãn tĩnh mạch chân nhưng không phải cứ bị vọp bẻ là do giãn tĩnh mạch chân. Vọp bẻ còn do nhiều nguyên nhân khác như do cơ thể thiếu nước, thiếu chất điện giải như natri, magiê, canxi, kali…

Hậu quả của giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân lâu ngày và không được điều trị sẽ có nguy cơ để lại hậu quả. Hậu quả đầu tiên là những vùng bị giãn tĩnh mạch, chức năng dinh dưỡng của tĩnh mạch sẽ bị giảm sút do đó những vùng da mỏng và tĩnh mạch giãn nhiều có thể gây nên hiện tượng loét, rất dễ bị nhiễm khuẩn da. Hậu quả nặng nề nhất trong giãn tĩnh mạch chân là do máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu dễ gây nên hiện tượng cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Nếu phát hiện muộn và xử lý không tốt thì cục máu sẽ trôi theo dòng máu chảy về tim, trên đường đi có thể gây tắc nghẽn.

Thể dục nhẹ nhàng ngăn ngừa giãn tĩnh mạch. Ảnh: Inmagine


Khi mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân nên làm gì?

Qua phần giới thiệu ở trên đã phần nào nói lên một số triệu chứng gây phiền toái cho người bệnh và có khả năng gây biến chứng khó tránh khỏi của bệnh.Vì vậy khi mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân, điều đầu tiên là phải đi khám bệnh ở cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị thích hợp, đồng thời có những lời khuyên của bác sĩ với người bệnh. Khi đã bị mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tuân theo lời dặn và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Khi đi ngủ nên kê cao chân bằng một chiếc gối mềm, độ cao thích hợp để không làm khó chịu ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu, tránh đứng nhiều. Nên có thói quen tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn, ăn thức ăn có nhiều sinh tố nhất là các loại quả để có đủ một số chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch. Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân (theo xu hướng vuốt dọc trở lên từ bàn chân lên cẳng chân) đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông tốt hơn.

Theo SK&ĐS -
http://suckhoedoisong.vn/20089151630355p0c63/gian-tinh-mach-chan.htm

Bản gốc: Sức khỏe số - Tại sao phụ nữ dễ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân?

No comments:

Post a Comment