Wednesday 9 February 2011

Thuc pham uop muoi: Ngon ma hai!

Số lượt xem: 177
Gửi lúc 11:20' 22/02/2010

Thực phẩm ướp muối: Ngon mà hại!

Từ xa xưa, ông bà ta đã biết dùng muối để giữ cho thịt, cá, dưa, cà... không bị ôi thiu và làm thức ăn dự trữ. Ướp và dùng thực phẩm muối vẫn được duy trì và... lạm dụng cho đến hôm nay. Đây là thói quen không tốt cho sức khỏe.

                                                                                                    
Bạn đã bao giờ nghe đến câu nói "Muối quý hơn vàng"? Quả thực, muối có vai trò rất lớn đối với chúng ta. Có thể nói, nếu không có muối, cơ thể sẽ rối loạn ngay lập tức và không hoạt động được. Thế nhưng, có phải vì vậy mà càng ăn thực phẩm ướp nhiều muối sẽ càng tốt?
Bác sĩ dinh dưỡng Trần Thị Ngự Uyển cho biết, thói quen dùng loại thực phẩm này thường xuyên sẽ làm cơ thể thừa muối. Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đóc Bệnh viện Ung Bướu, TP. HCM đã từng đưa ra khuyến cáo: "Thói quen ăn mặn, dùng các loại thực phẩm ướp muối cũng là nguyên nhân gây nên ung thư đại trực tràng".
Do vậy, chúng ta cần phải cẩn thận khi sử dụng loại thực phẩm này.

Có mặt thường xuyên trong bữa ăn của mỗi gia đình

Muối có hai thành phần chính là na-tri và clo. Trong đó, ion Na+ hiện diện chủ yếu trong tất cả cơ quan tổ chức và dịch cơ thể như: huyết thanh, dịch tiêu hóa, dịch nội bào... Chúng cũng có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào, cân bằng toan kiểm (hay điều hòa pH của nội môi) rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể.
Ngoài ra, ion Na+ còn tham gia vào quá trình chuyển hóa nước và điều chỉnh sự phân phối nước trong cơ thể. Với clo trong muối thì tham gia điều hòa áp suất thẩm thấu ở các cơ quan tổ chức và tế bào, chuyển hóa nước và tạo thành a-xit chlorhydric ở dạ dày có tác dụng tiêu hóa thức ăn.
Từ hàng nghìn năm nay, dân gian đã biết dùng muối ướp thực phẩm để giữ cho chúng không bị ôi thiu và lưu lại trong thời gian dài làm thức ăn dự trữ. Sở dĩ muối có thể làm như vậy là vì loại gia vị này có khả năng ức chế sự phát sinh của vi khuẩn.
Với nhiều gia đình, trong mỗi bữa ăn đều không thể thiếu các món được làm từ thực phẩm muối như: thịt muối phơi nắng, cá muối, khô, mắm, dưa muối, cải muối, cà muối, dưa hành muối, chanh muối, trứng muối...
Thế nhưng, với cách làm thủ công tự nhiên, muối không thể ức chế hoàn toàn sự phát sinh của vi khuẩn trong thực phẩm nên chúng ta chỉ dùng được trong khoảng thời gian ngắn.
Trong sản xuất công nghiệp, chả giò, dăm bông, thịt hun khói, xúc xích, mì gói, bánh mì, rau củ quả đóng hộp... cũng là thực phẩm có ướp muối. Tuy nhiên, những loại thức ăn này thường được sử dụng chất bảo quản hóa học nên thời gian sử dụng dài hơn. Rất nhiều người không biết chúng cũng đã được ướp muối nên thường thêm muối vào khi chế biến món ăn.
Nếu lượng muối thừa hay ít hơn so với nhu cầu cũng gây hại cho sức khỏe
Nhiều nguy cơ nếu lạm dụng muối
Nếu lượng muối thừa hay ít hơn so với nhu cầu cũng gây hại cho sức khỏe. Thiếu muối thường gặp ở những người tiết quá nhiều mồ hôi do tập thể thao hoặc bị tiêu chảy nặng mà không được bù nước và muối kịp thời, hợp lý. Cơ thể sẽ mệt mỏi, bị co giật, hạ huyết áp, hoa mắt, chóng mặt... Nếu thiếu muối nặng có thể dẫn đến hôn mê và gây tử vong.
Ngược lại, việc thừa muối cũng là một mối nguy hiểm rất lớn với sức khỏe. Trong đó, ăn thực phẩm ướp muối thường xuyên sẽ gây thừa muối. Nếu có thói quen ăn các loại thức ăn quá mặn sẽ khiến chúng ta có cảm giác khát, cần uống quá lượng nước cho phép, điều này gây tích trữ nước trong cơ thể. Thừa 8 - 9g muối, cơ thể sẽ phải giữ lại khoảng 1 lít nước (vượt quá lượng nước cho phép trong cơ thể). Sự giữ nước này sẽ kéo nước vào trong tế bào, cơ trơn làm tăng sự co thắt thành mạch là nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, do uống nhiều nước nên cơ thể phải tìm cách tăng đào thải na-tri qua nước tiểu, dẫn tới mất ka-li, can-xi và nhiều khoáng chất khác.
Việc đào thải này khiến hệ bài tiết, tim mạch, thận... phải tăng cường độ làm việc. Đó cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp, dẫn đến các bệnh về tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương...
Thừa muối còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm loét da dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người có tiền sử bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, thừa muối sẽ khiến cho tình trạng bệnh tiến triển nhanh hơn.
Dùng bao nhiêu muối thì an toàn?
Thực ra, mỗi người chỉ cần thêm 1g muối/ngày (tương đương 1 muỗng yaourt gạt ngang). Nhu cầu thêm tối đa là 6g/ngày (1 muỗng cà phê gạt ngang).
Đối với trẻ em, bác sĩ luôn khuyến cáo, không nêm thêm muối vào thức ăn vì lượng gia vị này trong thiên nhiên đã đủ.
Để dùng đúng lượng muối hợp lý, bạn nên tính toán trước khi tiêu thụ các sản phẩm có muối. Vì sản phẩm có công bố hàm lượng na-tri trên bao bì nên bạn lấy hàm lượng na-tri nhân 2,5 sẽ ra lượng muối có trong sản phẩm. Sau đó, bạn cân đối với lượng muối cơ thể cần (tối đa từ 4-6g/ngày).
Lưu ý: Người có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt như: cao huyết áp, suy tim, viêm cầu thận cấp mãn, hội chứng thận hư, xơ gan, phụ nữ có thai... nên đến các chuyên gia dinh dưỡng để được tính đúng số lượng muối cần cho cơ thể trong ngày và thiết lập thực đơn một cách chính xác theo bệnh lý của mình.
Nguồn tin: (Theo Tạp chí sức khoẻ)

Bản gốc: Sức khỏe số - Thực phẩm ướp muối: Ngon mà hại!

No comments:

Post a Comment