Saturday 12 February 2011

Tre em va benh dai thao duong

Số lượt xem: 418
Gửi lúc 16:13' 11/03/2010

Trẻ em và bệnh đái tháo đường

Tư vấn sức khoẻ, Tư vấn dinh dưỡng

Hiện nay, tình trạng trẻ em mắc đái tháo đường typ 2 có xu hướng gia tăng. Đái tháo đường ở trẻ em rất khó khống chế do trẻ vẫn cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để phát triển. Vậy chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này ở trẻ?

Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở trẻ.

- Do yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường, hoặc do người mẹ mắc bệnh trong khi mang thai.

- Béo phì ở trẻ: Là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường ở trẻ và nguy hiểm hơn, trẻ béo phì còn có thể mắc bệnh đái tháo đường typ 2 giống như người lớn. Đây thực sự là điều đáng lo lắng, vì đi cùng với bệnh đái tháo đường typ 2 là việc tăng các nguy cơ về tim, thận, tuần hoàn máu và các chứng loạn thị.

- Thừa dinh dưỡng: Trong tình hình phát triển của nền kinh tế hiện nay nên chế độ dinh dưỡng có sự thay đổi, đặc biệt là ở trẻ ăn nhiều chất béo, nhiều đường dẫn đến thừa năng lượng và glucose máu tăng. Mặt khác, do thiếu vận động nên năng lượng thừa ngày càng nhiều và dẫn đến béo phì, đây cũng là nguyên nhân gia tăng bệnh đái tháo đường ở trẻ.

Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho trẻ đái tháo đường typ 2 không hề đơn giản. Thông thường, người mắc đái tháo đường typ 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Nhưng với trẻ, nhất là những trẻ đang độ tuổi phát triển, không thể bắt trẻ kiêng khem quá mức. Hơn thế nữa, với trẻ, việc tạo lập một ý thức về bệnh không dễ.

Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh đái tháo đường không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết. Do não trẻ em cần được cung cấp đường hằng định, nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Kết quả giảm trí thông minh và giảm thị lực nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên.
 Béo phì là nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo đường ở trẻ ( ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: H.lan

Ăn cân bằng, vận động hợp lý

       Hiện cả nước có khoảng 4,5 triệu người (tương đương 5,7 % dân số) mắc bệnh đái tháo đường. Đặc biệt khoảng 36,6 % số dân trong cả nước nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Đáng chú ý, độ tuổi của người mắc bệnh đái tháo đường đang trẻ hóa. Theo đó, số người dưới 30 tuổi mắc bệnh ngày càng gia tăng, thậm chí có những trẻ dưới 10 tuổi cũng bị mắc bệnh.
Theo các nhà chuyên môn, cách hạn chế tốt nhất bệnh đái tháo đường là áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường vận động cho trẻ. Với trẻ mắc đái tháo đường typ I, cha mẹ nên đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, không nên bắt trẻ kiêng khem quá mức. Trẻ mắc đái tháo đường typ I vẫn có thể phát triển bình thường nếu được tiêm đủ insulin và chế độ ăn uống thích hợp. Trẻ mắc đái tháo đường nên hạn chế bánh kẹo, sô - cô - la, nước cốt dừa, đặc biệt, không nên dùng nước ngọt có gas. Các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì nếu ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Đồng thời, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp. Trong những ngày Tết, bố mẹ hãy chú ý đến trẻ. Đừng để trẻ lúc thì nhón cái kẹo, khi thì nhón cái bánh. Ăn quá nhiều bánh kẹo không chỉ gây tác hại với trẻ bị đái tháo đường mà còn với cả những trẻ bình thường. Trẻ có thể bị đầy bụng, thậm chí có trẻ bị đau quằn quại do giun. Ăn nhiều kẹo có thể làm tăng đường huyết bất thường, dẫn đến đi tiểu nhiều và mất nước. Mặt khác, khi đã ăn kẹo nhiều thì trẻ thường lại không ăn cơm, do vậy, lượng đường thì tăng nhưng trẻ lại bị thiếu hụt các chất khác.

Bên cạnh đó, chế độ vận động luyện tập thể dục thể thao đóng một vai trò quan trọng. Trẻ giảm được cân cũng có nghĩa là đã giảm được lượng đường trong máu. Cần lưu ý:

- Các thực phẩm không nên ăn: Đường ngọt, bánh kẹo, nước ngọt, kem, nước mía, các loại quả khô ướp đường như mứt, quả ngọt sấy khô như chuối, mít...

- Các thực phẩm nên hạn chế: Các quả chín quá ngọt như mít, na, chuối, nhãn, vải...; các đồ ăn chế biến sẵn như patê, xúc xích, lạp sườn, thịt hun khói...; các món ăn xào rán nhiều mỡ, bánh mỳ, mỳ tôm, cơm, các loại thịt nhiều mỡ, bơ, pho mát...

- Các thực phẩm nên ăn: Ngũ cốc nguyên hạt như ngô, khoai sọ...; các loại rau xanh như bắp cải, rau cần, rau bí, rau muống...; quả chín ít ngọt như dưa chuột, thanh long, bưởi, cam, táo ta, lê, mận...

Hiện nay, trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm sử dụng những loại đường thay thế rất tốt cho người đái tháo đường nên trẻ đái tháo đường cũng không cần thiết phải kiêng đường hoàn toàn. Ngoài ra, nếu trẻ đái tháo đường buộc phải theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trẻ có khả năng bị thiếu một số chất dinh dưỡng. Theo các nhà chuyên môn, với những trường hợp này, nên cho trẻ sử dụng các thực phẩm bổ sung có nhiều chất xơ và vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là những sản phẩm dành cho người thừa cân, béo phì và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
 Không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng để tránh nguy cơ mắc đái tháo đường..  Ảnh: Khánh Chi

Làm gì khi trẻ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?

- Lập cho trẻ một kế hoạch tập luyện để trẻ giảm cân khi trẻ bị béo phì.

- Thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu để bảo đảm glucose máu luôn ổn định. Nhằm giúp cho trẻ tránh được bệnh đái tháo đường và có một cuộc sống khoẻ mạnh.

- Trong giai đoạn trẻ đang phát triển cơ thể trẻ cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để cho trẻ tăng trưởng và phát triển. Vì vậy, cần phải có một chế độ dinh dưỡng phù hợp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

- Nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều chất vitamin, chất sắt, acid folic.

- Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm quá mặn, không để trẻ sử dụng nhiều đồ ăn đông lạnh, không cho trẻ em dùng những thức ăn có chứa chất màu tổng hợp và đặc biệt không để trẻ dùng thức uống của người lớn và ăn quá thừa chất dinh dưỡng.Vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.


Bản gốc: Sức khỏe số - Trẻ em và bệnh đái tháo đường

No comments:

Post a Comment